image banner
THÁNG 5 VỀ, NHỚ NGÀY SINH NHẬT BÁC

Cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh vì nước, vì dân, Người đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó chính là sự kết tinh của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tấm gương sáng ngời để mọi người Việt Nam học tập và noi theo.

Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch Nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức. Qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng. Đó là bài học quý giá, là dịp để mỗi chúng ta soi vào tấm gương đạo đức cách mạng để học tập đức tính khiêm tốn, giản dị, mẫu mực của Người.

Ngày 18/5/1946, trên trang nhất báo Cứu Quốc đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo đã chính thức thông qua ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1890. Ngày 19/5/1946, cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật Bác được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói: “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Rồi những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của dân ta còn khó khăn, gian khổ.

 

anh tin bai

 

Năm 1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ với một bó hoa rừng của những người thân cận tặng người đứng đầu cuộc kháng chiến. Nhưng Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét. Có những lần, do không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật, Người đã làm bài thơ “Không đề” trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:

 

“Vì Nước nên chưa nghĩ đến nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

 

          Những năm sau đó, vào dịp sinh nhật của mình, Bác Hồ thường đi công tác ở nước ngoài để tránh nhân dân chúc mừng sinh nhật. Có năm, Người sang công tác tại Trung Quốc. Một số đồng chí ở đây biết ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ, Người đã nói: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”. Vào một dịp ngày sinh năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi Bà Ðặng Dĩnh Siêu - cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, “tránh tặng quà”.

 

          Có những năm không đi ra nước ngoài thì đến ngày 19/5, Bác lại tìm cách xuống cơ sở thăm bà con nông dân để tránh chúc thọ, biếu quà cho Bác. Vào những dịp sinh nhật mình, Bác cũng thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi dòng thơ tuy nói về ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác đối với non sông đất nước và thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc:

 

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước! Ta cùng con em ta...

 

          Lời thơ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên toàn dân ta tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Câu kết của bài thơ như lời hứa danh dự của Bác trước dân tộc: Bác luôn sát cánh, tiến bước cùng dân tộc Việt Nam không chỉ đến ngày non sông thu về một mối mà cho cả đến tận những năm tháng bây giờ, cả nước đang tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. 

 

          Năm 1965, vào dịp sinh nhật của mình, Bác Hồ bắt đầu viết “mấy lời” để lại cho mai sau. Bản Di chúc đầu tiên Bác đề “Nhân dịp mừng 75 tuổi”, Người viết: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khoẻ mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Tài liệu này được Bác bắt đầu viết vào ngày 15/5/1965, có sự chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và từ đó, mỗi đến dịp sinh nhật, Bác đều đem ra xem lại rồi bổ sung, chỉnh sửa.

 

 

          Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút! Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại bản Di chúc và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau vào lúc 9h ngày 10/5/1968: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”. Sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như những năm trước mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản Di chúc để lại cho muôn đời sau. Năm đó, Bác viết thêm vào “tài sản” của mình một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh; chỉnh đốn Ðảng; chăm lo đời sống của nhân dân… Những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay. 

anh tin bai

          Đến tháng 5/1969 khi đó Bác Hồ 79 tuổi, Trung ương có ý định tổ chức mừng thượng thọ Bác, Người nói: Đừng tổ  chức sinh nhật cho Bác, Bác yếu lắm rồi. Bác chẳng còn biết được bao lâu nữa, tổ chức bày vẽ làm gì, tốn kém ra. Khi miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất, Bác ăn không ngon, ngủ không yên, Bác không có tâm trạng nào hưởng niềm vui riêng cả. Sinh nhật Bác năm 1969, Người đến thăm một lớp tập huấn các tướng lĩnh cao cấp toàn quân. Khi Bác đến, cả hội trường lặng đi, sau đó tất cả các đồng chí có mặt đều đứng dậy hô vang những lời chào mừng Bác. Bác đến như nhắn gửi lời của Người về một tâm nguyện lớn lao: miền Nam phải được giải phóng, muốn giải phóng miền Nam, bên cạnh sức mạnh toàn dân, thì lực lượng chủ động quyết định chiến thắng là Quân đội nhân dân. Sinh nhật năm nay của mình, Bác vẫn từ chối những lễ nghi phiền phức, vẫn đi thăm hỏi mọi người và nhận lại những lời chúc thọ, nhưng nào ai biết đó lại là sinh nhật lần cuối cùng của Bác trên cõi nhân sinh.

Suốt 24 năm, kể từ ngày 19 tháng 5 năm 1946, năm đầu tiên nhân dân ta tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác, đến ngày 19 tháng 5 năm 1969, trước khi từ giã cõi đời này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không dành riêng cho mình bất cứ một thứ gì, suốt đời Người dành cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Sinh nhật của Người giản dị, thanh cao như chính con người Bác vậy! Sinh nhật là dịp để Người bày tỏ tình cảm bao la của mình đối với toàn dân tộc. Sự từ chối lễ nghi phiền phức trong những dịp kỷ niệm ngày sinh thể hiện sự khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao. Đó là bản chất của người cách mạng chân chính, người ‘‘đầy tớ” trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp và vĩ đại. Như lời đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta tự hào đã sinh ra Hồ Chủ tịch và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Phạm Thị Ngọc
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập